Ngải cứu là cây rau dễ trồng và phổ biến ở Việt Nam. Không ít người biết rằng, đây cũng là cây thuốc rất hữu ích với đời sống chúng ta. Tuy nhiên việc sử dụng nó sao cho đúng cách và có hiệu quả thì không phải ai cũng biết.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng lâu đời trong dân gian và trong Đông y để chữa trị trong các trường hợp: phụ nữ kinh nguyệt không đều, có thai ra huyết, thổ huyết, chảy máu cam, đái ra máu, ghẻ lở, viêm da, dị ứng, viêm gan, trừ giun, điều hòa khí huyết, ôn kinh, an thai, đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ… Ngải cứu có thể dùng để chế biến các món ăn hoặc được sao khô lên làm thuốc. Lương y Vũ Quốc Trung chỉ dẫn một số cách chữa bệnh bằng ngải cứu như sau:
Làm thuốc điều kinh: Một tuần trước ngày kinh dự kiến, lấy mỗi ngày 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10g) hay dạng cao đặc (1-4g). Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200 ml nước, sắc còn 100 ml, thêm chút đường chia uống 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.
Giúp an thai: Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai. Những người kiệt sức hay các bà mẹ đang cho con bú: Lấy 5 cành lá ngải cứu tươi (hoặc khô), rửa sạch, băm nhỏ, pha với một cốc nước sôi, uống hàng ngày sẽ mau hồi phục sức khỏe.
Trị mụn trứn cá: Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục sẽ cho làn da mịn màng và trắng hồng.
Trị mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sảy ở trẻ: Với những trẻ nhỏ thường hay bị rôm sảy, xay nát lá ngải cứu, lọc lấy nước cốt rồi hòa vào nước tắm của trẻ. Làm liên tục trong vài ngày, các nốt ngứa sẽ lặn.
Ngoài các bài thuốc trên, có thể sử dụng ngải cứu trong bữa ăn hàng ngày bằng các món ăn sau:
- Canh ngải cứu nấu thịt nạc: Thịt nạc heo băm nhỏ, ướp hạt nêm, xào qua, nêm nước, đun sôi cho rau ngải cứu. Canh sôi đều, nêm hạt nêm vừa miệng, ăn nóng. Bài thuốc chữa các bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh…).
- Trứng gà tráng ngải cứu: Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín. Giúp lưu thông máu lên não trị bệnh đau đầu.
- Gà tần ngải cứu: 1 con gà đen khoảng 500gr, 3 trái táo đỏ, ý dĩ, kỷ từ, 3 lát sâm ta, ngải cứu, hạt sen, tam thất, hạt nêm. Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong gà, cho gà vào nồi, đổ săm sắp nước, nêm hạt nêm vừa miệng, tần cho đến khi gà mềm nhừ. Món ăn này có tác dụng bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, xương cốt dẻo dai.
- Cháo ngải cứu: Lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Thái nhỏ lá ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa. Ăn liên tục 3 – 5 ngày, có thể chữa động thai hoặc giảm đau thấp khớp.
Tuy ngải cứu có nhiều tác dụng như trên nhưng không nên dùng nhiều vì nó cũng có thành phần độc tố. Khi dùng lá ngải cứu sắc uống thay trà, chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi). Chỉ nên sử dụng theo từng đợt, khỏi bệnh thì ngừng. Đối với những chị em cần dùng các món có ngải cứu để tẩm bổ hoặc để an thai… chỉ nên dùng 3-5 ngọn nhỏ (9-15g tươi), tránh dùng quá liều.
Nguồn: Cây thuốc quý Việt Nam
0 nhận xét :
Post a Comment